Tế bào gốc – Sự phát triển diệu kỳ của khoa học

Ngày 18/5, theo báo cáo của Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc về việc phát triển thuốc điều trị bằng tế bào gốc, tính đến tháng 3/2014, có 258 cuộc thí nghiệm lâm sàng thương mại đang diễn ra trên toàn thế giới.

Trong số đó, 40 cuộc thí nghiệm lâm sàng, tương đương 16%, được thực hiện tại Hàn Quốc, cao thứ hai trên thế giới. Mỹ là quốc gia có số lượng cao nhất với 136 cuộc thí nghiệm và Trung Quốc đứng thứ ba với 17 cuộc.

Các cuộc thí nghiệm lâm sàng về tế bào gốc đã thực sự bắt đầu vào năm 2004 và tăng mạnh kể từ đó cho đến năm 2011 trước khi chững lại trong hai năm qua.

Trung tâm nghiên cứu tế bào gốc (Stem cell) thuộc Bệnh viện Cha tại quận Gangnam, Seoul đã thành công trong việc sử dụng tế bào thể (somatic cell) tạo ra tế bào gốc phôi (embryonic stem cell). Cụ thể, nhóm nghiên cứu này đã tạo được hai tế bào gốc phôi nhân bản từ tế bào thể của hai người đàn ông 70 tuổi và 30 tuổi.


Tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn của trẻ.

Trước đó, năm 2013, một nhóm nghiên cứu của Mỹ đã từng thành công khi tạo ra tế bào gốc phôi nhân bản từ tế bào thể của trẻ sơ sinh. Như vậy, đây là thành công thứ hai trên thế giới trong lĩnh vực nhân bản tế bào gốc phôi của con người. Nhiều ý kiến cho rằng còn rất nhiều hạn chế trong các nghiên cứu về phôi vô tính (cloning embryo) trong thời gian qua, chẳng hạn như đây là nghiên cứu sử dụng tế bào trẻ sơ sinh nên không thể sử dụng trực tiếp trên cơ thể người bệnh được.

Tế bào gốc là tế bào còn non trẻ, có khả năng tự thay mới mình và biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Phân loại theo nguồn gốc, có 2 loại là: tế bào gốc phôi, có tính chất “toàn năng” hoặc “vạn năng” có khả năng phát triển thành tất cả các loại tế bào của cơ thể – tế bào gốc trưởng thành, có tính chất “đa năng” hoặc “đơn năng” ít linh hoạt hơn và khó để nhận diện, phân lập và tinh luyện.

Tế bào gốc toàn năng rất ít, chỉ có 2 – 4 tế bào. Tế bào gốc vạn năng nhiều hơn nhưng cũng chỉ có vài chục tế bào trong cơ thể người. Tế bào gốc trưởng thành, bao gồm tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc nhu mô, tế bào gốc thần kinh, tế bào gốc biểu mô ống tiêu hóa, tế bào gốc da. Các tế bào gốc được dùng trong nghiên cứu, chủ yếu là trứng thụ tinh thừa ra ở các cơ sở làm thụ tinh trong ống nghiệm, hàng chục ngàn tế bào phôi đông lạnh bị vứt bỏ sau khi chọn được một trứng thụ tinh để cấy vào tử cung mẹ (điều trị thành công). Những tế bào phôi này có thể dùng làm nguồn tế bào gốc. Các nghiên cứu y học tái tạo dùng những tế bào này để phát triển thành mô mới, khỏe mạnh để thay thế mô bị bệnh.

“Nóng” nhất trong giải Nobel Y học 2012 được xem là bước đột phá của con người với hy vọng “cải lão hoàn đồng” của John Gurdon (SN 1933, người Anh) và Shinya Yamanaka (SN 1962, người Nhật) khi đã phát hiện ra tế bào gốc trưởng thành có thể được tái lập trình về di truyền học để thành một tế bào giống tế bào gốc phôi. Quá trình này nôm na một cách dễ hiểu là “tế bào gốc vạn năng nuôi cấy (iPSC)”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *